Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang thiết kế 2 phương án về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ.
Hôm nay (3/1), Quốc hội thảo luận trên hội trường về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Một trong những vấn đề cần xin ý kiến đại biểu Quốc hội là quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền.
Đây là một trong những điểm mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Quy định này nhằm giải quyết các trường hợp đang sử dụng đất do ông/cha để lại nhưng không có giấy tờ và không vi phạm pháp luật về đất đai.
Về nội dung này, dự thảo Luật thiết kế hai phương án. Trong đó, phương án 1 giữ quy định như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 về thời điểm cấp Giấy chứng nhận đến trước ngày 1/7/2014.
Theo đó, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2014 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là không có tranh chấp thì diện tích được công nhận quyền sử dụng đất.
Phương án 2 chỉnh sửa về thời điểm cấp Giấy chứng nhận đến thời điểm nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận.
Theo đó, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất từ ngày 15/10/1993 đến thời điểm nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận, được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là không có tranh chấp thì diện tích được công nhận quyền sử dụng đất.
Theo Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với phương án 1 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.
Ngoài vấn đề cấp sổ đỏ cho đất không có giấy tờ, nhiều vấn đề khác còn chưa thống nhất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần xin ý kiến Quốc hội, trong đó có quy định về phương pháp định giá đất.
Dự thảo Luật hiện đang đề xuất 2 phương án. Phương án một là quy định tại Luật về nội dung phương pháp định giá đất nhưng giao Chính phủ quy định trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp.
Phương án 2 là quy định tại Luật về nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp.
Theo báo cáo, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 2 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 265 điều. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật bỏ 4 điều, bổ sung 6 điều, sửa đổi 229 điều.
Các điểm mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tập trung vào nhiều vấn đề nóng như giải quyết đất cho đồng bào dân tộc thiểu số; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất. Quốc hội dự kiến thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp lần này.
Theo Nguyễn Hoài
Tiền phong