Yếu tố tích cực của thị trường bất động sản dần mờ nhạt và bắt đầu xuất hiện thách thức về nguồn cung khan hiếm và khả năng cạnh thu hút vốn FDI dần suy yếu.
Nguồn cung mới giảm
Theo báo cáo mới đây của VnDirect về phân khúc bất động sản công nghiệp, đơn vị này nhận thấy các yếu tố tích cực hỗ trợ với ngành bất động sản khu công nghiệp đang mờ nhạt, tới từ các thách thức dần xuất hiện (1) thị trường bất động sản khu công nghiệp sẽ chứng kiến sự khan hiếm nguồn cung mới trong năm 2023 khi thủ tục phê duyệt bị trì hoãn tới từ những vướng mắc về thủ tục pháp lý, (2) khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút vốn FDI đang dần suy yếu so với các quốc gia khác trong khu vực.
"Thị trường bất động sản khu công nghiệp sẽ trải qua khoảng thời gian khó khăn trong việc triển khai dự án mới, dẫn tới khan hiếm nguồn cung cho tới cuối năm 2023", VnDirect nhận định.
Với thị trường miền Nam, sau khi bùng nổ nguồn cung trong nửa đầu năm 2022 đã không có nguồn cung mới nào được đưa vào hoạt động.
Đơn vị này cho rằng thị trường miền Nam sẽ trải qua giai đoạn khó khăn để triển khai dự án mới trong năm 2023. Sau đó, nguồn cung mới cho giai đoạn 2024-27 cũng khá hạn chế, khoảng 1.388ha.
"Một số dự án đáng chú ý trong tương lai chủ yếu đến từ các nhà phát triển KCN lớn như KCN Cây Trường (BCM sở hữu) và KCN Nam Tân Uyên mở rộng (NTC sở hữu)", VnDirect nêu tại báo cáo.
Với thị trường miền Bắc, mặc dù có nhiều dự án đang chờ được phê
duyệt, tuy nhiên tình trạng thiếu nguồn cung mới tại thị trường miền Bắc sẽ kéo dài ít nhất cho tới hết năm 2023, sau đó khoảng 3.757ha đất KCN được kỳ vọng sẽ đưa vào hoạt động trong giai đoạn 2024-2026, với nguồn cung lớn nhất đến từ Hải Phòng, Vĩnh Phúc và Bắc Ninh.
"Mặc dù, hai trung tâm khu công nghiệp sẽ khan hiếm nguồn cung mới, tuy nhiên đây lại là cơ hội cho các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất sẵn sàng cho thuê", đơn vị này nhận định.